Trồng cà chua trái vụ không chỉ giúp bạn có nguồn cung cấp cà chua tươi ngon quanh năm mà còn tạo ra cơ hội kinh doanh hấp dẫn. Tuy nhiên, để đạt được thành công, bạn cần nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc đúng cách. Cùng Hachi khám phá bí quyết để có một mùa cà chua bội thu ngay cả trong thời điểm trái vụ trong bài viết dưới đây.
1. Thời vụ trồng cà chua trái vụ
Hiện tại, trên thị trường đã xuất hiện giống cà chua ghép, có thể trồng được tất cả các vụ trong năm. Tuy nhiên, nếu muốn cây sinh trưởng và phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao nhất, bà con trên trồng trong khoảng từ 15/6 đến ngày 15/9 Dương Lịch (tốt nhất nên trồng vào khoảng tháng 7 đến tháng 8). Cụ thể:
- Vụ hè thu: Trồng vào khoảng tháng 7 – tháng 8, thu hoạch khoảng tháng 11- tháng 12.
- Vụ đông xuân sớm: Trồng vào khoảng tháng 8 – tháng 9, thu hoạch khoảng tháng 2 – tháng 3.
- Vụ xuân: Trồng vào khoảng tháng 2, thu hoạch khoảng tháng 5
2. Hướng dẫn cách trồng cà chua trái vụ đạt năng suất cao nhất
Để cà chua trái vụ cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao, bà con nông dân có thể tham khảo cách trồng sau đây:
2.1. Chọn các giống trồng cà chua trái vụ tốt
Bà con nên ưu tiên lựa chọn các giống cà chua có khả năng chịu nhiệt, khả năng kháng bệnh tốt, năng suất cao, phù hợp với điều kiện khí hậu và đất đai địa phương. Một số giống cà chua phổ biến thích hợp làm ngọn ghép có thể kể đến như: Đại Minh Châu, DV 2926, VL3500, VL 642, Red Crow 250. Đối với gốc ghép có thể chọn gốc cà tím EG203.
2.2. Xử lý đất trồng
Trước khi tiến hành trồng cà chua trái vụ, bà con cần phải cày bừa đất kỹ, phơi trong khoảng 7 – 10 ngày. Tiến hành lên luống trồng cà chua và gieo hạt theo khoảng cách:
- Mặt luống: Rộng 0,9 -1m
- Độ cao luống: 35cm
- Rãnh rộng: Từ 40 – 50cm
- Khoảng cách cây: 40 – 50cm
- Khoảng cách hàng: 65 – 70cm
- Mật độ trồng: 1.100 cây/sào
Lưu ý rằng, khi trồng cà chua trái vụ, bà con nên phủ luống bằng màng phủ đất nông nghiệp màu đen có ánh bạc trước khi trồng cây hoặc bằng rơm rạ phơi khô không có nấm bệnh (sau khi trồng cây). Việc này sẽ giúp đất giữ được độ ẩm lâu, tránh cỏ dại mọc, đồng thời giữ nhiệt độ bề mặt và tăng nguồn hữu cơ tốt có trong đất, tốt cho sự phát triển của cây trồng.
2.3. Làm giàn
Để giúp cây phát triển thẳng đứng, tăng diện tích quang hợp, dễ chăm sóc và thu hoạch, bà con nông dân cần tiến hành làm giàn cho cây cà chua. Tùy vào diện tích trồng mà bà con có thể sử dụng kích thước cho phù hợp. Giàn có thể làm bằng cọc tre, nứa với độ cao từ 1,5 – 2m.
Đối với đất phủ màng, bà con cần cắm giàn ngay sau khi trồng. Ngược lại, đối với đất phủ rơm rạ, hãy tiến hành cắm giàn khi cây đã phát triển khoảng 50 – 60 cm.
2.4. Bón phân cho cây cà chua trái vụ
Khi trồng cà chua trái vụ, bà con cần chú ý khâu chăm sóc, bón phân thường xuyên vào các thời điểm thích hợp theo bảng sau ( Lượng phân bón cho 1 sào bắc bộ):
Lần bón | Thời gian | Lượng bón | Cách bón |
Bón lót | Trước khi trồng từ 3 – 7 ngày | Sử dụng 30kg vôi bột + 300kg phân hữu cơ ủ hoai mục + 15 kg phân lân Lâm Thao + 2kg phân Kali | Vôi bột rải đều lên mặt đất trước khi tiến hành lên luống. Trộn đều phân hữu cơ, vô cơ vào nhau, sau đó bón vào hốc hoặc rãnh. |
Bón thúc lần 1 | Sau trồng 3 ngày | Sử dụng 30 – 40 kg phân vi sinh Biogro hoặc có thể tưới các chế phẩm kích thích ra rễ. | Tiến hành bón xung quanh gốc, sau đó lấp lại bằng đất. |
Bón thúc lần 2 | Sau trồng 15 ngày | Sử dụng 1 kg U-rê và 2kg NPK | Tưới vào hốc |
Bón thúc lần 3 | Sau trồng 35 ngày | Sử dụng 1kg U-rê + 1kg Kali + 2kg NPK | Tước hốc |
Bón thúc lần 2 | Sau trồng 60 ngày | Sử dụng 1kg U-rê + 1kg Kali + 2kg NPK | Tưới hốc |
2.5. Chăm sóc cây cà chua trái vụ
Trồng cà chua trái vụ sẽ cho năng suất và chất lượng tốt nhất khi được chăm sóc đúng cách, cụ thể:
- Kỹ thuật trồng: Nên trồng cây vào chiều tối mát mẻ, tránh lúc nắng gắt. Khi trồng và chăm sóc không nên vun đất cao lên quá vết ghép cây.
- Tưới nước: Cần bổ sung nước ngay sau khi trồng để cây nhanh chóng hồi phục. Nên tưới nước bằng gáo, cách hốc cây từ 7 – 10 cm. Tiếp tục thực hiện hàng ngày đến khi cây hồi xanh hoàn toàn và sinh trưởng mạnh thì chuyển sang tưới rãnh, trung bình 7 – 10 ngày tưới 1 lần.
- Tỉa chồi: Tiến hành cắt bỏ các chồi nhanh trên thân chính, chỉ giữ các chồi nhánh mọc dưới nách lá có xuất hiện chùm hoa đầu tiên. Khi đạt tới số lượng hoa mong muốn, bà con cần bấm ngọn và loại bỏ những chồi nách cây không cần thiết.
2.6. Sử dụng thuốc đậu quả
Do trồng cà chua trái vụ, vậy nên bà con cần phải sử dụng thêm các loại thuốc có tác dụng kích thích đậu quả như CPA, GA3 với nồng độ từ 10 – 15ppm để nhúng hoặc phun trực tiếp lên chùm hoa (chú ý không để thuốc bắn lên ngọn sinh trưởng của cây).
2.7. Phòng trừ sâu bệnh hại
Cây cà chua thường mắc một số loại bệnh do sâu hại gây ra như bệnh xoăn lá, bệnh sương mai và bệnh héo xanh.
- Bệnh xoăn lá: Thường gây hại nặng khi trồng cà chua sớm vụ xuân hè, do rệp, bọ phấn lan truyền.
- Bệnh sương mai: Thường gây hại khi trồng cà chua chính vụ. Bệnh phát triển mạnh khi thời tiết âm u, độ ẩm cao, nhiệt độ thấp.
- Bệnh héo xanh: Độ ẩm cao, ấm là điều kiện lý tưởng để sâu hại phát triển, đặc biệt vào vụ cà chua sớm.
Để phòng trừ sâu bệnh gây khi trồng cà chua trái vụ, bạn có thể áp dụng các biện pháp:
- Luân canh cây trồng
- Làm sạch cỏ dại, thường xuyên loại bỏ các cành lá già để tạo thông thoáng, hạn chế nơi trú ngụ của sâu bọ. Với những cây đã nhiễm bệnh cần loại bỏ để không lây lan rộng cho các khu vực khác.
- Bón phân một cách hợp lý, khoa học, cân đối giữa các nguyên tố đa lượng NPK. Chú ý không bón quá nhiều đạm sẽ khiến cho lá phát triển tốt, thân lá mềm. Đây chính là điều kiện lý tưởng để rệp muội và bọ phấn hoành hành, lan truyền bệnh một cách nhanh chóng.
- Diệt bọ phấn bằng dầu khoáng SK, Actara hoặc Selecron, giúp hạn chế sự lây lan và phát triển của virus. Có thể sử dụng bẫy dính màu vàng để bắt diệt loài sâu bệnh gây hại này. Trường hợp cây đã dính virus, hãy nhổ bỏ ngay lập tức và vãi vôi bột hoặc Basudin để tiêu độc cho đất.
- Phun thuốc trừ sâu, phòng bệnh (Chú ý nên tránh các loại thuốc độc hại như Azodrin, Methylparathion, Furadan, nhất là trong thời gian thu hoạch)
Về liều lượng thuốc trừ sâu, phòng trừ bệnh cho cây trồng cà chua trái vụ, bà con có thể tìm hiểu thông tin trong các bảng dưới đây (áp dụng cho một sào bắc bộ):
- Bảng liều lượng và cách phun thuốc trừ sâu hại cà chua
Loại sâu | Thuốc sử dụng và liều lượng | Cách sử dụng |
Sâu vẽ bù | Dùng Vertimec từ 10 – 20ml kết hợp với Kuraba từ 10 – 20g | Phun 1 lần sau khoảng 40 ngày trồng, khi thấy xuất hiện sâu non tuổi nhỏ. |
Bọ phấn | Dùng Actara 2g và Verimex 10 – 20ml | Phun thuốc sau khoảng 40 ngày ngày trồng khi thấy bọ phấn xuất hiện nhiều và có cây đã bị bệnh virus. |
Sâu đục hoa quả (sâu khoang, sâu xanh) | Dùng Match 15 – 30ml và Ammate 8 – 10 ml | Tiến hành phun định kỳ 10 ngày 1 lần khi cây đang trong giai đoạn ra hoa, đậu quả. Ngừng phun khi quả đã chuẩn bị được thu hoạch |
- Bảng liều lượng thuốc phòng trừ sâu bệnh gây hại cho cây cà chua
Loại bệnh | Thuốc sử dụng và liều lượng | Cách sử dụng |
Héo do nấm (héo vàng) | Dùng Score 5 – 10 ml và TriB1 3kg | Phun phòng khi cây còn nhỏ cho đến khi cây đã sinh trưởng được khoảng 50 ngày. Phun vào gốc 20 ngày/lần. |
Sương mai | Sử dụng Ridomil gói 100g pha vào 3 bình 16 lít phun cho khoảng 1,5-3 sào. Thuốc Sacbe và Hidrocop tiến hành phun theo hướng dẫn | Phun phòng trước các đợt xuất hiện rét đậm, rét hại và ngay khi vừa phát hiện bệnh |
2.8. Thu hoạch cà chua
Khi cà chua dần ngả màu sang hồng hoặc đỏ, đây la lúc bà con nông dân đã có thể bắt đầu thu hoạch. Trong quá trình hái, bà con cần chú ý không để cà chua bị dập nát. Nên sử dụng các loại xô nhựa sạch để thu quả và tiến hành phân loại quả, sau đó mới xếp vào các thùng gỗ, bảo quản nơi thoáng mát.
Trường hợp thời tiết quá nóng hoặc mưa liên tục, bà con chú ý thu hoạch quả ở giai đoạn xanh già hoặc mới vừa bắt đầu chín. Điều này sẽ giúp phòng tránh nguy cơ quả bị nứt do mưa nhiều hoặc bị rám nắng. Sau khi thu hoạch, hãy để quả ở nơi thoáng mát, tránh ẩm thấp, sử dụng ethrel để giấm chín quả.
3. Một số lưu ý cần biết khi trồng cà chua trái vụ
Dưới đây là một số kinh nghiệm trồng cà chua trái vụ đã được áp dụng và đạt hiệu quả cao. Bà con có thể lưu lại và tham khảo để biết thêm nhiều thông tin hữu ích, phục vụ cho quá trình trồng trọt.
- Thời vụ: Thời điểm trồng cà chua được giá, hiệu quả kinh tế cao sẽ rơi vào khoảng tháng 7 (thu hoạch vào tháng 12). Tuy nhiên, giai đoạn này lại thường xuyên xảy ra mưa, là điều kiện lý tưởng để xuất hiện bệnh héo rũ, do đó năng suất cây trồng sẽ thấp hơn.
- Ươm cây con: Tỷ lệ sống của cây ươm chỉ đạt khoảng 80 – 90%. Để tăng tỷ lệ này, bà con cần áp dụng đúng các biện pháp kỹ thuật như: xử lý hạt giống, xử lý bầu đất. Có thể dùng hỗn hợp đất + tro trấu + phân theo tỷ lệ 1:1:1 (nếu đất không quá xấu) hoặc 2:1:1 (nếu đất tốt).
- Chọn giống: Chọn các giống cây trồng cà chua trái vụ kháng bệnh héo rũ, có khả năng chống chịu tốt trong mùa mưa. Từ đó giúp tăng năng suất, chất lượng trái tốt, giúp bà con được mùa, được giá.
- Bón phân: Sử dụng phân hỗn hợp NPK, DAP, Ure để cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây.
Nhận thấy nhu cầu trồng cà chua trái vụ đang ngày càng tăng tại Việt Nam, Hachi hiện cung cấp dịch vụ thi công nhà màng công nghệ cao. Đây là giải pháp hiệu quả giúp bà con thu hoạch được những trái cà chua trái vụ căng mọng, năng suất, hạn chế tác động của thời tiết và sâu hại. Để tìm hiểu chi tiết thông tin, bà con vui lòng liên hệ hotline 0901236086 – 0982476086!
Bằng việc áp dụng các kỹ thuật và kinh nghiệm trên, hy vọng rằng bà con nông dân có thể nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế khi trồng cà chua trái vụ. Đừng quên theo dõi Hachi để cập nhật thêm nhiều kiến thức nông nghiệp hữu ích nhé!