5/5 - (2 bình chọn)

Hành lá là một trong những loại rau dễ trồng nhất bằng phương pháp thủy canh. Loại cây này là gia vị cho rất nhiều món ăn trong bữa cơm gia đình. Hành lá có thể dễ dàng trồng trên nền đất. Nhưng nếu bạn là người bận rộn, không dành được nhiều thời gian để thường xuyên tưới nước, chăm sóc cho chúng bạn có thể trồng hành thủy canh theo các hướng dẫn của Hachi trong bài viết này.

1. Cách trồng hành lá thủy canh bằng gốc hành cũ tại nhà

Phương pháp trồng hành thủy canh đầu tiên Hachi muốn giới thiệu tới bạn là sử dụng gốc hành cũ. Sau khi sử dụng lá hành để chế biến các món ăn hấp dẫn, bạn hãy giữ lại phần gốc hành để trồng thủy canh.

Chuẩn bị

Nguyên, vật liệu bạn cần sử dụng để thực hiện cách trồng hành thủy canh bằng gốc hành cũ gồm có:

  • Những gốc cây hành to mập, phần thân trắng dài
  • Cốc thủy tinh hoặc cốc nhựa hay chai, lọ nhựa tùy ý.
Nên lựa chọn những gốc hành to mập để trồng thủy canh
Trồng hành thủy canh

Thực hiện trồng hành thủy canh sử dụng gốc hành

  • Đầu tiên, bạn đặt các gốc hành vào cốc hoặc chai lọ đã chuẩn bị sẵn
  • Sau đó bạn đổ nước vừa ngập gốc hành. Bạn cần đảm bảo sao cho lượng nước ngập toàn bộ phần rễ hành nếu không sẽ khiến hành bị thối.
  • Để cây hành đã trồng thủy canh ở nơi thoáng mát, nhiều ánh sáng tuy nhiên cần tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp vào hành.
  • Việc chăm sóc hành trong quá trình trồng cực kì đơn giản, bạn chỉ cần lưu ý việc thay nước thường xuyên cho cây hành. Để hành phát triển tốt nhất, bạn có thể sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng thủy canh cho những cây hành của mình.

2. Cách trồng hành thủy canh bằng củ hành

Trồng hành thủy canh bằng củ hành cũng là một phương án rất dễ thực hiện mà bạn có thể áp dụng ngay.

Chuẩn bị

  • Đầu tiên, nguyên liệu không thể thiếu chính là củ hành sử dụng để trồng.
  • Chai, lọ nhựa.
Trồng hành thủy canh bằng củ hành
Các nguyên, vật liệu cần chuẩn bị để trồng hành rất đơn giản, dễ kiếm

Thực hiện trồng hành thủy canh sử dụng củ hành

  • Trước tiên, bạn đổ đầy nước đến miệng chai nhựa đã chuẩn bị sẵn.
  • Sau đó bạn đặt củ hành vào từng chai, mỗi chai sẽ đặt một củ hành. Để tiết kiệm số chai nhựa cần sử dụng để có thể tiết kiệm không gian, bạn có thể sử dụng một chai nhựa lớn và khoét nhiều lỗ trên thân chai. Sau khi đổ đầy nước vào chai, bạn có thể đặt tửng củ hành vào các lỗ đã được khoét.
Trồng hành lá thủy canh
Trồng hành lá thủy canh sử dụng củ hành
  • Sau vài ngày, củ hành sẽ mọc rễ và hút nước trong chai để phát triển. Tương tự như phương pháp trồng bằng gốc hành, với cách trồng hành thủy canh bằng củ, bạn cũng có thể sử dụng dinh dưỡng thủy canh để giúp hành phát triển nhanh và sớm cho thu hoạch.
  • Khi thu hoạch hành để sử dụng cho các món ăn, bạn có thể cắt tỉa phần lá hành và giữ lại phần gốc hành để tiếp tục trồng.

3. Kỹ thuật và quy trình trồng hành thủy canh hệ thống chuyên nghiệp

Hành lá có thể dễ dàng trồng hành thủy canh với cả hệ thống thủy canh tĩnh và thủy canh hồi lưu. Để setup hệ thống thủy canh tĩnh bạn chỉ cần một chậu chứa dinh dưỡng, một khay nổi được khoan các lỗ để chứa rọ thủy canh.

Với hệ thống thủy canh hồi lưu, bạn cần các máng thủy canh, một chiếc máy bơm, bể chứa dinh dưỡng, ổ căm hẹn giờ và một số phụ kiện đường nước khác. Hệ thống hồi lưu sẽ có chi phí lắp đặt và thiết bị cao hơn hệ thống tĩnh, nhưng sẽ hạn chế được tính các vấn đề về nấm bệnh và giúp rễ cây không bị bí khí.

3.1. Diện tích và không gian trồng

Các hệ thống trồng hành thủy canh thường chiếm rất ít diện tích. Bạn có thể dễ dàng lựa chọn vị trí trồng tại nhà. Khu vực trồng hành thủy canh được lựa chọn cần đảm bảo nhận ít nhất 4h nắng trực tiếp/ngày để cây có thể phát triển và cho ra hương vị tốt nhất. Nếu không có đủ ánh sáng tự nhiên, bạn cũng có thể sử dụng ánh sáng nhân tạo thay thế.

3.2. Chuẩn bị mầm và vật tư

Các nguyên, vật liệu cần chuẩn bị để trồng hành thủy canh bao gồm:

  • Cây mầm: Chọn cây hành mập mạp có gốc trắng, thân xanh dài từ 2 – 7cm
  • Dinh dưỡng trồng: Chọn loại dinh dưỡng phù hợp
  • Bút đo TDS: Để đo lường nồng độ dinh dưỡng
  • Giá thể trồng: Chọn giá thể xơ dừa.
Cách trồng hành lá thủy canh
Chọn cây hành để trồng thủy canh mập mạp có gốc trắng, thân xanh dài từ 2 – 7cm

3.3. Tiến hành trồng hành thủy canh

  • Đầu tiên, bạn cắt phần lá xanh của hành giữ lại phần gốc trắng. Phân rễ hành cần được giữ lại một phần.
  • Trồng phần thân và rễ vào rọ thủy canh có chứa giá thể. Bạn hoàn toàn có thể không sử dụng giá thể và chỉ cần đặt phần thân hành vào rọ sao cho nước trong hệ thống thủy canh ngập được phần rễ hành. Nhưng giá thể sẽ giúp cây cố định và đảm bảo cấp ẩm 100% cho rễ hành.
Cách trồng hành lá thủy canh
Giá thể sẽ giúp cây cố định và đảm bảo cấp ẩm 100% cho rễ hành.
  • Tiếp đó bạn bỏ rọ thủy canh vào các lỗ được khoan sẵn trên hệ thống.
  • Thêm nước vào hệ thống thủy canh. Cần lưu ý giữ nhiệt độ nước ở mức ấm hoặc trung bình để cây phát triển tốt. Hành lá rất dễ phát triển mà không cần dinh dưỡng ở 2 tuần đầu. Tuy nhiên, ở các giai đoạn tiếp theo bạn nên thêm một lượng nhỏ dinh dưỡng để giúp hương vị và chất lượng của hành đảm bảo. Bạn chỉ cần để dinh dưỡng ở khoảng 400 – 500ppm
Trồng hành thủy canh
Bạn nên sử dụng thêm dinh dưỡng thủy canh để hành phát triển tốt nhất
  • Sau 7 ngày từ khi đưa lên hệ thống, hành lá sẽ bát đầu mọc lá mới. Giai đoạn 12 – 15 ngày tiếp theo là giai đoạn lý tưởng để bạn thu hoạch. Khi thu hoạch hành, bạn sẽ tỉa phần lá xanh phía trên để ăn, phần trắng chúng ta tiếp tục giữ lại để nuôi dưỡng.

4. Video cách trồng hành thủy canh đơn giản mới nhất

Hachi xin giới thiệu tới bạn một số video hướng dẫn trồng hành thủy canh để bạn có nguồn tham khảo trực quan.

Video Cách trồng hành thủy canh cực dễ sử dụng củ hành của Nông Y – một Youtuber chuyên chia sẻ về trồng cây và làm vườn.

Video Cách trồng hành thủy canh từ gốc hành của Gia Đình Vui Vẻ Của Tâm Tâm – một Youtuber chuyên chia sẻ về cuộc sống và những kinh nghiệm, mẹo vặt hay.

5. Một số lưu ý khi trồng hành thủy canh cho người mới

Trồng hành thủy canh vô cùng dễ dàng, tuy nhiên, bạn vẫn nên lưu ý một số điều sau đây để đảm bảo tỉ lệ thành công và cho năng suất cao nhé:

  • Luôn đảm bảo đủ lượng nước trong cốc, chai trồng hành. Cụ thể, lượng nước luôn phải ngập toàn bộ rễ hành nếu không dễ khiến cây hành bị thối.
Trồng hành lá thủy canh
Bạn cần đảm bảo nước ngập toàn bộ rễ hành để tránh bị thối
  • Tần suất thay nước phù hợp là 2-3 ngày thay một lần.
  • Hành lá trồng thủy canh chỉ cần sử dụng nước là có thể phát triển bình thường, trường hợp bạn sử dụng thêm dinh dưỡng thủy canh cần tuân thủ theo liều lượng được khuyến nghị. Sử dụng quá nhiều dinh dưỡng thủy canh không những không giúp hành phát triển tốt hơn mà ngược lại còn có thể khiến cây hành dễ bị thối.
  • Sau 2-3 lần thu hoạch, bạn nên bón phân hữu cơ cho hành bằng cách hòa tan phân bón hữu cơ với nước sau đó tưới cho cây.
Trồng hành thủy canh
Sau 2-3 lần thu hoạch, bạn nên bón thêm phân hữu cơ cho hành
  • Thông thường, sau 1 tháng kể từ khi trồng hành thủy canh là bạn có thể thu hoạch hành, thời gian thu hoạch có thể di dịch vài ngày, tuy nhiên bạn không nên để quá lâu vì chất lượng hành thành phẩm sẽ bị ảnh hưởng.
  • Hành lá thích hợp sống ở những khu vực thoáng mát, có đầy đủ ánh sáng tuy nhiên cần tránh ánh nắng trực tiếp, gay gắt từ mặt trời.

6. Lời kết

Trồng hành thủy canh
Trồng hành thủy canh vừa dễ làm, giúp mang lại nguồn thực phẩm sạch sẵn có cho gia đình

Hành lá là gia vị xuất hiện trong rất nhiều món ăn Việt, vừa mang lại hương vị thơm ngon, vừa giúp trang trí cho món ăn thêm bắt mắt, hấp dẫn. Trồng hành lá tại nhà giúp bạn có nguồn thực phẩm sẵn có, an toàn, đảm bảo vệ sinh. Hơn nữa trồng hành thủy canh lại cực kì đơn giản, dễ làm, vậy thì không có lý do gì chúng ta không thử phải không nào? Mong rằng các thông tin mà Hachi cung cấp trên đây sẽ giúp bạn dễ dàng trồng hành tại nhà bằng phương pháp thủy canh. Chúc các bạn thành công.