Việc nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học vào xử lý các phế thải nông nghiệp (sản xuất phân bón hữu cơ) được coi là hướng đi đúng, đảm bảo nền sản xuất nông nghiệp sạch bền vững trong bối cảnh đồng ruộng đang bị “ngộ độc” do người nông dân quá lạm dụng các loại phân bón hóa học. Tuy nhiên, việc phát triển phân bón hữu cơ hiện nay không hề dễ dàng.
Chỉ cần gõ “phân bón hữu cơ” trên Google, có thể tìm thấy khoảng 633.000 kết quả về từ khóa này và hàng trăm sản phẩm phân hữu cơ được giới thiệu “chất lượng tốt nhất cho cây trồng”. Tuy nhiên, đáng buồn là cũng có khá nhiều thông tin “có dấu hiệu giả, kém chất lượng…” liên quan đến cụm từ này.
Tiềm năng “khủng” của chất thải nông nghiệp
TS Nguyễn Thị Hồng Minh – Trưởng ban vận động thành lập Hiệp hội Thực phẩm minh bạch cho biết, thời gian qua, nhiều nước nhập khẩu nông sản của Việt Nam bắt đầu kiểm tra rất nghiêm ngặt chất lượng các mặt hàng nông sản. Đặc biệt, họ quan tâm đến vấn đề tồn dư của các chất kháng sinh, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc kích thích tăng trưởng và hàm lượng các kim loại nặng trong nông sản… Chính vì vậy, nếu chúng ta không kiên quyết sản xuất nông sản sạch thì nhiều khả năng sẽ mất dần thị trường xuất khẩu trong thời gian tới.
Để khắc phục tình trạng này, theo bà Minh, sản xuất nông nghiệp hữu cơ được xem là xu hướng phát triển tất yếu. Tuy nhiên, nguồn nguyên liệu đầu vào quan trọng nhất cho sản xuất nông nghiệp hữu cơ là phân bón hữu cơ đang phát triển rất manh mún, chưa kiểm soát được chất lượng,…
Trong khi đó, ông Nguyễn Hạc Thúy – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, tiềm năng của nguồn chất thải nông nghiệp đang rất lớn. Theo thống kê của Bộ NNPTNT, hàng năm ngành nông nghiệp thải ra khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, bã cây ngô, mía; hơn 25 triệu tấn các loại phân trâu bò, lợn, gia cầm… nhưng chưa được tận dụng triệt để, thậm chí bỏ phí. Với số lượng phế thải này, Việt Nam đủ sức sản xuất 5 – 6 triệu tấn phân hữu cơ, giúp tiết kiệm hàng tỷ USD nhập khẩu phân bón vô cơ.
“Sau khi nghị định ra đời, Chính phủ cũng giao Bộ NNPTNT xây dựng đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ 2018-2025, đây là những điều kiện rất tốt để chúng tôi có thể nghiên cứu thêm, từ các ý kiến thực tế, các băn khoăn của các đại biểu, chúng tôi sẽ tiếp thu đưa vào trong nghị định”. (Thứ trưởng Bộ NNPTNT – Trần Thanh Nam). |
Đồng quan điểm, TS Nguyễn Đăng Nghĩa – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới cho rằng: “Nếu toàn bộ số rơm rạ sau thu hoạch của cả nước, chất thải trâu, bò, lợn… được xử lý thành phân hữu cơ, người nông dân không phải bỏ tiền mua phân hóa học (NPK) thì hằng năm sẽ tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng. Chưa kể việc lạm dụng phân bón hóa học hàng năm sẽ gây “ngộ độc” cho đất, gây ô nhiễm môi trường…” – ông Nghĩa phân tích.
Khó từ khâu tiếp thị sản phẩm
Thực tế, hiện nay phân bón hữu cơ chỉ chiếm khoảng 10% thị phần phân bón Việt Nam. Nguyên nhân là do những hạn chế như: Cần bón một khối lượng phân lớn trên một đơn vị diện tích nên bất tiện hơn về vận chuyển và sử dụng so với phân hóa học; tác động của phân bón hữu cơ không nhanh chóng như phân bón hóa học; chi phí đầu vào cao hơn so với phân bón hóa học…
Về vấn đề này, TS Nguyễn Thị Hồng Minh cho biết, bản thân bà đã đã hợp tác với nhiều nhà sản xuất đi theo hướng hữu cơ với chất lượng tốt. Tuy nhiên, để nông dân chuyển từ sử dụng phân vô cơ sang hữu cơ không dễ dàng vì sự tiện lợi và thói quen sử dụng lâu nay với sản phẩm phân bón vô cơ.
Đây cũng là trăn trở của các nhà khoa học, nhà quản lý về phát triển nền nông nghiệp hữu cơ theo chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc. Theo ông Nguyễn Hạc Thúy, để thay đổi một nền sản xuất theo hướng hữu cơ thì phải xem đây là một cuộc cách mạng lâu dài với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, các doanh nghiệp, nhà khoa học và bà con nông dân, chứ không chỉ dừng lại ở một số nhà quản lý, doanh nghiệp…
“Nhà nước cần có chỉ thị hoặc nghị quyết về phát triển chiến lược phân bón hữu cơ giai đoạn 2017 – 2025, tầm nhìn 2025 – 2030 để có chính sách, cơ chế thích hợp về tài chính, thuế… cho cuộc cách mạng này” – ông Thúy nói.
Đồng quan điểm, ông Trần Thanh Nam – Thứ trưởng Bộ NNPTNT cũng nhấn mạnh, cần phải có hệ thống quản lý đồng bộ nông nghiệp hữu cơ, phải có lộ trình phát triển chặt chẽ cũng như có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp hữu cơ, đáp ứng nhu cầu thị trường. Đồng thời, phải đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức về nông nghiệp hữu cơ chứ nếu chỉ hô hào và tự phát thì sẽ rất khó…
Sắp có nghị định về nông nghiệp hữu cơ Việc phát triển phân bón hữu cơ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong “Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp hóa chất Việt Nam đến năm 2020, có tính đến năm 2030”, được ký giữa tháng 9.2017. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam cho biết, Chính phủ đã giao cho Bộ NNPTNT xây dựng dự thảo Nghị định 210 về nông nghiệp hữu cơ. Đến thời điểm hiện tại, Bộ đã hoàn tất và có thể không lâu nữa nghị định sẽ ra đời. |