Hachi, sản phẩm ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp, mới đây đã xuất hiện trong danh sách những doanh nghiệp start up nổi bật nhất châu Á bên lề Diễn đàn kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN).
WEF ASIAN – DIỄN ĐÀN KINH TẾ THẾ GIỚI VỀ ĐÔNG NAM Á
Diễn đàn Kinh tế Thế giới về Đông Nam Á (WEF ASEAN) 2018 là một trong những hội nghị lớn và quan trọng nhất của WEF trong khu vực. Sự kiện năm nay có sự tham dự của lãnh đạo chính phủ 7 nước ASEAN và một số quốc gia khác trong khu vực, cùng các tổ chức quốc tế, chuyên gia, học giả và lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới.
Sự kiện thu hút 1.000 đại biểu từ 43 quốc gia. Họ sẽ tham gia 53 phiên họp chính thức và 35 phiên thảo luận cộng đồng về các vấn đề trong khu vực, từ chính trị, khởi nghiệp đến việc làm trong Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Năm nay, WEF ASEAN sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 11 đến 13/9. Ngoài các phiên thảo luận xoay quanh chủ đề “ASEAN 4.0: Tinh thần doanh nghiệp và Cách mạng Công nghiệp lần thứ 4”, diễn đàn năm nay còn có sự tham gia của 80 công ty khởi nghiệp tại Đông Nam Á. Trong đó có 3 đại diện của Việt Nam.
Những công ty này được chọn lọc từ gần 300 doanh nghiệp đăng ký tham dự, bởi một hội đồng gồm các nhà hỗ trợ khởi nghiệp, quỹ đầu tư mạo hiểm, chuyên gia công nghệ và hãng truyền thông hàng đầu. Các lĩnh vực kinh doanh của họ trải rộng trên nhiều lĩnh vực, từ dịch vụ tài chính, logistics, thương mại điện tử đến nông nghiệp, truyền thông và chăm sóc sức khỏe.
WEF 2018 “GỌI TÊN” HACHI – START UP NỔI BẬT ĐẾN TỪ VIỆT NAM
Cùng với các đại diện khác đến từ Philippines, Indonesia, Malaysia và Singapore, Hachi là một trong số 7 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo nhất tại khu vực châu Á, theo thông tin được đăng tải trên website chính thức của WEF ASEAN.
Đây là dự án ứng dụng Internet kết nối vạn vật (IoT) vào nông nghiệp, sử dụng những máy tính siêu nhỏ kết hợp với cảm biến như độ ẩm, nhiệt độ, ánh sáng, pH, nồng độ dinh dưỡng.
Toàn bộ dữ liệu sẽ được gửi lên máy chủ của Hachi và cập nhật vào trong ứng dụng di động Hachi của người dùng. Từ đó người dùng có thể dễ dàng theo dõi tình trạng môi trường và đưa ra những giải pháp hữu hiệu như thiết lập thời gian tưới, thời gian chiếu sáng và các mức độ cảnh báo hết sức đơn giản và tiện lợi thông qua điện thoại thông minh (smartphone).
Tính đến nay, doanh nghiệp này đã xây dựng trên dưới 10 trang trại thông minh tại Việt Nam, sử dụng IoT và hệ thống thủy canh, giúp tăng năng suất tới 300%.
Xem thêm: Top 7 start-up nổi bật nhất WEF ASIAN 2018