Sau chuyến tham quan mô hình làm nông nghiệp ở nước ngoài, anh Tô Quang Dũng (38 tuổi, TP Đà Lạt, Lâm Đồng) quyết định đầu tư một trang trại thủy canh với diện tích 3000m2. Mỗi năm trang trại thủy canh này cho doanh thu gần 4 tỷ đồng.
Theo anh Dũng đây là mô hình trồng rau mới xuất hiện ở Đà Lạt thời gian gần đây, xà lách là loại rau thích hợp với thủy canh, thời gian trồng ngắn ngày, cách ly hoàn toàn với mặt đất nên hạn chế tối đa lượng kim loại nặng, các loại khuẩn dưới đất.
Khi cây con được một ít lá non sẽ được bỏ vào giàn bằng các thanh nhựa thiết kế đặc biệt để nước chảy bên trong cách mặt đất chừng 70 cm, cách ly hoàn toàn với mầm bệnh ở trong đất.
Hiện nay trang trại của anh Dũng trồng 8 loại rau xà lách có nguồn gốc từ Hà Lan được thị trường ưa chuộng như: xà lách mỡ, xoong, xanh, tím, batavia, salanova…
Hệ thống giàn rau thủy canh được tưới nước nhỏ giọt theo công nghệ châu Âu, khép kín.
Rau thủy canh phát triển rất nhanh do được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng, môi trường trong nhà kính được điều chỉnh nhiệt độ hết sức lý tưởng.
Không đi theo lối mòn của đa số nông dân, anh Dũng vừa trồng rau, vừa tìm hiểu thị trường để ổn định đầu ra. Anh cho biết: “Khi đại diện của Metro, Big C tới đề nghị cung cấp sản phẩm cho họ, người ta yêu cầu sản phẩm của mình phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, có khả năng cung cấp hàng liên tục trong năm”.
Giàn trồng rau trong trang trại thủy canh được cách ly phía trên, phía dưới được tráng xi măng sạch sẽ nhằm không cho mầm bệnh tiềm ẩn trong đất có thể làm hại đến sự phát triển của rau. Hệ thống nhà kính cũng được thiết kế rộng rãi, thoáng mát.
3.000m2 trồng thủy canh, trung bình mỗi tháng anh cung cấp cho hệ thống siêu thị Metro, Big C, chuỗi cửa hàng ăn nhanh khoảng 10 tấn rau với giá bán tại vườn luôn ổn định từ 35.000 đến 40.000 đồng một kg, mỗi tháng thu về hơn 300 triệu đồng. Một năm đầu áp dụng trồng rau thủy canh, gia đình anh thu về gần 4 tỷ, sau khi trừ chi phí thu về 40% lợi nhuận.
“Nếu như áp dụng trồng rau thủy canh đúng quy trình, đầu ra ổn định, chỉ sau gần 2 năm là người nông dân có thể thu hồi vốn”, anh Dũng phân tích.
Khi thu hoạch, các nhân viên cắt tỉa phần gốc để lấy lá cho vào túi ni lông xuất bán. Dù là thủy canh nhưng để xuất đi, các nhân viên phải tỉ mỉ trong công đoạn cuối cùng để đưa đến khách hàng ngoài chất lượng, còn có cả hình ảnh bắt mắt.
Sau khi thu hoạch, rau thủy canh sạch được đưa đến các siêu thị ở TP Đà Lạt, TP HCM, Đồng Nai và Bình Dương. “Dù giá cả rau này khá cao so với các loại rau bình thường song được các chị, các mẹ ưa chuộng do không có hóa chất, thuốc trừ sâu”, chị Đinh Thị Phối Phối, ngụ TP Biên Hòa, Đồng Nai nói.