Rate this post

Vấn đề môi trường đất nông nghiệp ở nước ta hiện nay còn tồn tại nhiều hạn chế và bất cập. Điều này trở thành rào cản lớn đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp nói chung cũng như những cá nhân, tổ chức muốn làm giàu bằng nghề chăn nuôi, trồng trọt.

Đất đai bị chia nhỏ, sản xuất manh mún

Theo kết quả thống kê diện tích đất đai năm 2016 của cả nước do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố, tổng diện tích đất tự nhiên của cả nước là 33.123.078 ha. Trong đó có 27.284.906 ha đất nông nghiệp (chiếm 82%), 3.725.374 ha đất phi nông nghiệp (chiếm 11%) và 2.112.798 ha đất chưa sử dụng (chiếm 7%).

Untitled
Cơ cấu diện tích các nhóm đất sử dụng

Ngoài ra, theo thống kê Tổng điều tra nông nghiệp, khoảng 90% đất nông nghiệp là thuộc các hộ nông nghiệp và trang trại. Đa phần các hộ nông nghiệp đều có quy mô rất nhỏ. Trong đó, nhóm hộ canh tác trên ruộng dưới 0,5 hecta chiếm tới 69%, nhóm có diện tích từ 0,5 đến 2 hecta chiếm 25%.

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị “Giải pháp tích tụ, tập trung đất đai phục vụ phát triển nông nghiệp quy mô lớn, công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp” ngày 14/04/2017, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã chỉ ra rằng, mô hình kinh tế hộ gia đình với việc quản lý sử dụng đất manh mún, nhỏ lẻ khó phù hợp với điều kiện phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn, chất lượng hàng hóa, có năng suất, hiệu quả, bảo đảm đủ sức cạnh tranh nội địa và thế giới. Do đó, việc tích tụ ruộng đất thuận lợi cho đầu tư, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là yêu cầu hết sức quan trọng.

Có thể thấy, diện tích đất nông nghiệp chiếm tỷ lệ rất cao song tình trạng đất đai bị chia cắt nhỏ lẻ là trở ngại lớn kìm hãm sự phát triển của ngành nông nghiệp. Đây vẫn sẽ là bài toán khó của nhà nước, bởi để phát triển, phải giải quyết được mâu thuẫn giữa tập trung ruộng đất, giải phóng sức sản xuất trong nông nghiệp với việc ổn định, nâng cao đời sống của người nông dân.

Đất nông nghiệp bị ô nhiễm nặng nề

Theo nhiều chuyên gia, sử dụng phân bón không đúng kỹ thuật trong canh tác nông nghiệp không những không mang lại hiệu quả mà ngược lại còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường đất.

Theo Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), mỗi năm hoạt động nông nghiệp phát sinh khoảng 9.000 tấn chất thải nông nghiệp nguy hại, trong đó không ít loại thuốc có độ độc cao đã bị cấm sử dụng. Ngoài ra, cả nước còn khoảng 50 tấn thuốc bảo vệ thực vật tồn lưu tại hàng chục kho bãi; 37.000 tấn hóa chất dùng trong nông nghiệp bị tịch thu đang được lưu giữ chờ xử lý. Theo số liệu thống kê từ năm 1985 đến năm 2015, diện tích gieo trồng ở nước ta chỉ tăng 57,7% nhưng lượng phân bón hóa học sử dụng tăng tới 51,7%, có khoảng 2/3 lượng phân bón hàng năm cây trồng chưa được sử dụng, gây lãng phí tiền bạc đồng thời gây hại trầm trọng đến đất trồng.

phunthuoc
Lạm dụng thuốc hóa học cho đất nông nghiệp

Thực tế, các chính sách ưu đãi bảo vệ môi trường mới chỉ hướng đến các chủ thể là tổ chức (doanh nghiệp, hợp tác xã…) mà chưa chú trọng đến cá nhân người nông dân. Trong khi nền nông nghiệp Việt Nam vẫn còn mang tính chất nhỏ lẻ, manh mún, cá nhân người nông dân mới là chủ thể chính sách cần hướng tới để khuyến khích bảo vệ đất nông nghiệp. Người nông dân không được trang bị đủ kiến thức trồng trọt, chăn nuôi; các doanh nghiệp sản xuất bỏ qua cảnh báo gây hại môi trường mà chạy theo lợi nhuận.

Bên cạnh đó, tình trạng thoái hoá đất đang diễn ra trên diện rộng ở nhiều vùng nông thôn Việt Nam, ví dụ như rửa trôi, xói mòn, hoang hoá, phèn hoá, mặn hoá, khô hạn, ngập úng, lũ quét và xói lở đất. Hiện tượng chặt phá rừng khiến đất bị rửa trôi, thói quen canh tác lạc hậu của người nông dân cũng cũng làm đất đai ngày càng kiệt quệ.

Giải pháp nào cho nông dân và doanh nghiệp

Giải pháp là Công nghệ cao.

27140301 1441791315925307 428550886 o
Áp dụng công nghệ cao trong nông nghiệp

Việc áp dụng công nghệ cao vào trồng trọt và chăn nuôi đòi hỏi người trồng phải tìm hiểu và nắm vững những kiến thức nhất định. Đưa sản xuất và canh tác vào quy trình hiện đại và chuyên nghiệp hóa còn góp phần kiểm soát và hạn chế tối đa những nguy hại cho đất trồng, đồng thời các sản phẩm đầu ra được đảm bảo đồng đều về chất lượng và hình thức.

Đặc biệt, phương pháp thủy canh và khí canh sẽ khắc phục được nhiều hạn chế của đất nông nghiệp. Không còn lo vấn đề ô nhiễm đất khi phương pháp tách biệt cây trồng trong môi trường thủy canh. Tận dụng tối đa những khoảng trống, sản xuất thực phẩm quy mô lớn mà không phụ thuộc vào diện tích đất nông nghiệp.